Bánh Tằm Bì

Một món ăn trong kỷ niệm thời học trò của tôi. Món ăn có đón đưa, có mắc cỡ đỏ mặt mím môi . . . rồi thôi. Người bạn đi ăn chung, cũng có người đưa đón, cũng mắc cỡ đỏ mặt mím môi . . . cũng rồi thôi không đi đến đâu hết!

Câu chuyện món ăn lồng vào kỷ niệm không ít, từ những món ngọt ngào: những ly chè đậu bánh lọt nước dừa, dừa tươi, dừa nước, chuối – bắp nướng, cà phê, kem Hoàng Gia – Mai Hương, bánh ngọt Givral, đến những món mặn mà: bột chiên, bò bía, bún riêu, canh bún, bánh bèo, bánh tằm bì, bánh mì thịt nguội, mì, phở . . . Món ăn hòa với kỷ niệm có nhiều khía cạnh, từ bình dân tăng dân lên trung lưu, đôi khi “đột phá” đụng đến giai cấp thượng lưu một lần cho biết với người ta, bất chấp tiêu mất một tháng tiền để dành.

Đưa người mình “để ý” đi ăn uống là giai đọan bắt đầu tiến đến “xa hơn” chút xíu trên con đường “Tình Ta Đi”. Con đường ấy, thoạt tiên phải có tả phù hữu bật, chỉ hai người với nhau khó ăn khó nói, thêm một người bạn thân làm cảnh, làm nhân nhị đẩy đưa cho mình dễ ngỏ lời, tại sao lại không?

Lý do tại sao, cách đây gần nửa thế kỷ, các trường trung học nam riêng nữ riêng, khi hẹn hò đi ăn uống thường đi thành nhóm, hai – ba cặp là đủ vui đủ đẹp.

Các anh hay dùng cụm từ “đi kéo ghế” để nháy nhó hẹn hò riêng với nhau, không cho bạn cùng lớp biết, các cô không có cụm từ nào đặc biệt, chỉ viết vài dòng giúi vào tay bạn hẹn hò tan học đi chung!

Uống cà phê – bánh ngọt, ăn kem uống nước dừa Hồ Con Rùa sau lưng nhà thờ Đức Bà, hay ăn chè đậu đỏ bánh lọt chùa Xá Lợi – trường Gia Long là chuyện dễ thực hiện vừa túi tiền, các chàng học trò có thể nhịn ăn sáng ba ngày là làm được! Vào kem Hoàng Gia, tiệm bánh Givral phải muợn thêm tiền chị em gái ở nhà, hay nhịn đói vài tuần. Các nàng, nếu thật tình có ý riêng tư thương chàng thường không đòi hỏi Hoàng Gia – Givral, chỉ đòi chè bánh lọt – bò bía, cắc cớ không thương không có ý gì mới “ác ôn” đòi chuyện tốn tiền.

Có nhiều cô nàng cẩn thận, không muốn thiếu nợ “người dưng” đòi đãi “trả quả” – đây là chuyện bình thường nếu các nàng mời các chàng uống cà phê ăn kem, hay ăn chè đậu. Chỗ ngồi tương đối với ghế đẩu, bàn xếp, hay ngồi ngay trên xe đạp, ăn xong thong thả đạp xe đi loanh quanh ngắm trời đất lá hoa, nắng có xiên có xế chi cũng đẹp, mưa có ngả có nghiêng mưa vẫn dịu dàng. Đằng này các nàng oái oăm bắt các chàng xà vào gánh bánh bèo – gánh bánh tằm bì – gánh bún riêu bún ốc canh bún, bún thịt nướng, các món này có nước mắm có chua cay. Đến các nơi này lý do sâu kín là thử xem “tình” chàng dành cho mình tới đâu, có chấp nhận nổi kiểu:

Đi chợ thì hay ăn hàng
Chồng yêu chồng bảo ăn hàng đỡ cơm!

Tà áo dài vén gọn, tay bưng đĩa bưng tô, gắp húp xuýt xoa, nhìn khác hẳn với từng muỗng cà phê be bé, múc chút kem, chút đậu đưa vào miệng nhâm nhi, nhấp ly chanh đường cho chàng đê mê tưởng tượng “uống môi ai ngọt”.

Nước mắm – mắm tôm hành phi, rau húng rau quế, rau tía tô . . . hương ơi là hương, vị ơi là vị.

Thuở ấy! đàn ông con trai không được vào bếp, cái bếp là gian san của mẹ, chị, em gái, gian san của đàn ông con trai là góc bàn kê ngay cửa sổ, hay trên gác gần lan can để dùi mài kinh sử học lấy bằng cấp, học để không vướng vào lưới “chinh nhân” – câu “rớt tú tài anh đi trung sĩ” ám ảnh các chàng kinh khiếp, có tú tài khi nhập ngũ sẽ có mai có sao, có xe jeep, có dáng cho các nàng tương tư !

Vì lý do to lớn ấy mà chuyện chợ búa ăn hàng lê la không bao giờ thấy dáng húi cua. Nhưng, nếu không theo thì bị các nàng chê là “nhát cáy – thỏ đế” ngay cả tình đầu thả gió mây bay – đành sao? Thế là sau khi suy tính thiệt hơn, đành chai mặt theo nàng “kéo ghế”, cũng ghế đẩu như trong quán cà phê, nhưng không có bàn, cặp hay túi sách để ngay xuống đất, ngồi chung quanh quang gánh, ngay bên hè đường!

 Đường Phan Đình Phùng gần chợ Vườn Chuối, hè đường rộng, gánh bún ốc bún riêu buổi chiều chỉ bán vài tiếng, xe bột chiên phải chờ đến bảy giờ! Khu Nguyễn Thiện Thuật cả một xóm bán thức ăn đêm, nào xâm bổ lượng, bánh ướt, mì hoàng thánh, chè chén . . . Bún ốc nồi đồng chợ Phú Nhuận, bún thịt nướng chợ Bàn Cờ. Hôm nay chợt nhớ món bún tằm bì của bà Hai, bắt đầu bán từ 2 giờ trưa, góc đường Tạ Thu Thâu – Nguyễn Trung Trực, cũng là nơi có gánh xôi bắp (xôi lúa) của bà Bắc – khu vực này bán vải quần áo, các cửa hàng trang phục, gần thương xá Tax.


Bà Hai pha nước mắm rất ngon, cách xắp xếp gánh tằm bì gọn gàng, phía bên tay trái trên cái mâm là hũ nước mắm pha màu hổ phách, kề bên là keo nước dừa trắng có điểm lá hành thái nhuyễn xanh xanh, hũ ớt xay, keo đồ chua củ cải cà rốt, thố đậu phọng giã dập vừa đủ.


Dưới cái mâm là thau bánh tằm trắng muốt, bột gạo nhồi ủ chắt nước lấy độ dai, sau đó lấy trùng chung với cốt dừa cho dẻo, rồi dùng khuôn ép thành con tằm xuống nồi nước sôi, vớt ra để nguội.

Rổ rau thơm giá sống tươi trong, lâu lâu bà lại lấy trái dưa leo ra bằm cắt nhuyễn để “có bán” , phía tay phải là chồng dĩa sâu, ống máng đũa, thau bì trộn thính thơm lừng mùi tỏi, đậy lại bằng miếng ny lông trong, mở hé một góc đủ gắp bì, thố mỡ hành phi xanh ngăn ngắt. Tay bà thoăn thoắt bốc nắm rau thơm giá sống, dưa bằm cho vô dĩa, bánh tằm đặt lên trên, quay qua gắp bì để lên mặt, mỡ hành đậu phọng, muỗng nước mắm, muỗng nước dừa đồ chua là món cuối cùng, cặm đôi đũa bên hông bà đưa dĩa bánh cho khách đang ngồi chờ, rồi quay qua làm dĩa khác.


Khách ăn hàng chỉ cần trộn tất cả mọi thứ cho đều là “ngậm mà nghe” vị béo của cốt dừa, của đậu phọng, hòa với rau thơm giá dưa sần sật, nước mắm ngọt ớt cay, đồ chua níu theo trước khi hòa tất cả hượng vị món ăn thành một, lan tỏa từ lưỡi tuột dần qua thanh quản. Xuống tới bao tử rồi vị ngọn còn lưu luyến trên môi, không ít người đòi thêm đĩa nữa, trước khi trả tiền đứng lên.

Hẹn hò đám bạn gái với nhau không có gì đặc biệt, có thêm vài “trự húi cua” mới có chuyện để nhớ, các ông chàng lúng túng với đĩa với đũa, không biết làm sao ăn, trong khi đám con gái ăn hàng xoen xoét chẳng chút mắc cỡ ngại ngần, kề môi húp nước mắm cho đúng kiểu ăn bánh tằm bì dân giã.


Mà rồi những hẹn hò đầy mùi vị ấy có đi đến đâu hay chăng, chẳng nghe ai kể tiếp, chỉ biết sau khi ghé ăn hàng kiểu thân thiết đến thế, dưng không mạnh cặp nào cặp ấy hẹn hò riêng, không cho người khác biết. Cặp nào không chịu đựng nổi sẽ âm thầm “tan vỡ”, để lại nàng đi ăn hàng tiếp với đám bạn “thứ ba” sau quỷ dưới ma.


Hôm nay, làm lại món tằm bì, muốn nhớ lại thuở xưa, sao cũng đủ mọi vị mà ăn vào không thấy gì ngon! Có lẽ thiếu tiếng cười, tiếng chòng ghẹo lẫn nhau, thiếu không gian ồn ào vừa đủ, thiếu chút hơi nóng ẩm, thiếu cả nỗi phập phồng, không biết môi có bị bóng lưỡng vì nước dừa không!

Và nỗi nhớ thành hương thành vị cuối ngày . mình tìm được công thức này

Ấu Tím .

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: