Không Còn Trẻ Nữa!

Lần cuối tôi được đi rông là năm 2019, nay đã sang cuối Hè 2022, trở lại với va-li túi khoác vai rời nhà 10 ngày thử xem chân gối thế nào, có còn theo ý mình để thực hiện thêm những chuyến đi xa nữa hay không?

Ông nhà tôi khẳng định: “Không còn lần nào nữa nếu thích em cứ đi một mình! Đi đâu cũng thế núi đã từng leo biển đã từng xuống từ lạnh cóng đến nóng sôi, từ cát trắng đến cát xanh ngọc thạch, anh đã thực hiện xong lời hứa đưa em lên thác xuống ghềnh qua năm châu bốn bể, nay cho anh về hưu “du lịch!” Chỉ cái giường ở nhà mới ru anh ngủ được, chỉ cái phòng tắm đơn giản ở nhà mới khiến anh thoải mái không nhìn rõ sự tình da dẻ nhăn nheo chảy xệ trong những cái kính khổ to xa hoa lộng lẫy! Chỗ rửa tay thì màu mè gạch Ý chậu vàng chẳng có chút gì tiện lợi nước văng vãi tứ tung, bước vào bồn tắm chỉ sợ ngã lăn, chết ngay thì bỏ em một mình tội nghiệp, nằm một chỗ thì em khổ chứ ai vào đây, thêm chuyện phòng ốc lạ, nửa đêm cần chuyện phải làm lơ mơ cũng xẩy chân mà chớ! . . .”

Nghe chàng càm ràm tôi ngẫm chuyện mai sau, cho dù chúng tôi đã nghỉ hưu rồi, đã làm tất cả mọi thứ cần làm từ ngày khởi đầu định cư trên xứ người xa lạ!

Tôi không dám khẳng định ngày mai bạn hay tôi sẽ trúng số, nhưng chắc chắn một điều tôi và bạn sẽ già. Câu đầu môi : Sinh Lão Bệnh Tử nghe như đùa mà có thật:

Sinh ra chúng ta không lựa chọn đuợc! Lão – Bệnh – Tử càng không thể từ chối! Tôi thắc mắc giữa khoảng Sinh và Lão Bệnh Tử là cái gì tại sao không thấy nhắc đến, hay tại trong khoảng đó tôi và bạn có quyền quyết định có quyền chọn lựa để đến lúc Lão Bệnh Tử có những phận số khác nhau? Sống luyện tội, ăn năn tội truớc khi chết hay thanh thoả hồn xác rũ áo ra đi. Chuyện kèn trống tiễn đưa không cần thắc mắc: “Triệu người quen có mấy người thân khi lìa trần có mấy người đưa?” Vũ Thành An.

Cô bạn trẻ gởi thơ viết vài điều về tuơng lai sẽ thế nào khi về già, những đau tay đau cổ đau lưng những mệt mỏi uể oải khi sáng phải thức đậy đi làm, lúc về nhà không còn sức đế càm ràm chồng con, ngày truớc xông xáo dọn dẹp nay có hơi bề bộn chút cũng không sao sức lực nào còn mà chinh đông dẹp bắc, dọn phòng khách dẹp phòng ngủ, chùi rửa phòng tắm phòng ăn, cuối tuần chợ búa cho cả tuần! Màn hình máy vi tính cũng hấp dẫn muốn viết ba điều bốn chuyện, bàn tay làm biếng ý tuởng cũng chẳng còn nhạy bén quên nhớ nhập nhằng. Đọc một đoạn văn đoạn thơ, ngơ ngác hỏi sao người yêu đời thế. Thời đại vi tính mọi thứ chuyển đổi rất nhanh rất nhậy, nên con người cũng theo đúng qui luật nhanh nhậy này mà thành mau già. Kỹ thuật, khoa học nhờ vào nhanh nhậy kiếm tiền không ít để chạy theo cái nhanh cái nhậy và ngay cả cái già.

Máy vi tính mỗi ngày thay đổi theo cấp số nhân – nhân – nhân. Con người dùng hết sức lực suy nghĩ tìm tòi sản xuất, chất xám tuôn ra cùng với thanh xuân cũng theo cấp số ấy. Từ tiểu học đã mệt nhọc chen lấn tìm cách vào trường giỏi trường hay, lớn lên tí nữa mùa hè cha mẹ khổ sở gởi vào học luyện thi toán luyện thi văn những mong các con được vào trường nổi tiếng, lấy được mảnh bằng ra trường đi làm đầu bù tóc rối tranh đấu với người ta, điều mong mỏi là làm hết sức để dành tiền hưu và về hưu sớm, khi ấy sẽ đi chơi.

KHI ẤY đến là lúc toàn cơ thể rã rời đầu gối khủy tay máu huyết mắt mũi mặt mày đều biến dạng. Nếu khéo che dấu bằng các thành quả khoa học ứng dụng hóa chất, vào màu tóc, màu môi, hay dùng kỹ xảo điêu luyện dao kéo của các vị bác sĩ, học miệt mài cả chục năm, với phương châm “cứu nhân độ thế” để căng da, nâng chỗ này lóc chỗ nọ thì cũng chỉ giống được như chiếc xe cũ đã được sơn phết tạo dáng nhưng bộ máy bên trong không có cơ phận thay thế.

Khoảng Sinh – đến Lão không ngắn, trong khoảng ấy đã hình thành con đường bắt buộc phải trả giá cho tuổi già sẽ thế nào – con cái sẽ đối xử ra sao vợ chồng có còn đủ keo sơn gắn bó, bạn bè có còn nghĩ đến mà thăm hỏi lẫn nhau? Những hoạt động hàng ngày, những vật ăn thức uống có đúng để tuổi già không phải chịu số phận nghiệt ngã: thèm không được ăn, thấy không được chạm. Những bài viết về tuổi già cô đơn trong viện dưỡng lão trên xứ người, đưa ra hình ảnh các cụ không nghe không hiểu được tiếng bản xứ nên hãi sợ, thức ăn không hợp khẩu vị là điều hành hạ các cụ mỗi ngày.

Nhiều khi đọc xong những bài viết hài tội con cái bỏ cha bỏ mẹ trong nhà dưỡng lão, hình ảnh các cụ ngồi trên xe lăn ngóng mông lung ra cửa, chờ bóng con đến thăm mang cho món ăn có vị nước mắm tôi nghĩ đến con cháu đi làm ngày 8 tiếng, cuối tuần có hai ngày để sắp xếp cho 5 ngày trước mặt trong tuần, nếu còn con nhỏ phải lo toan thì quả là điều khó khăn để hoàn thành chữ hiếu trên xứ Mỹ . Những câu chuyện răn con dậy cái từ thuở còn thơ ở Việt Nam : “Ngày xưa có hai ông bà kia, đối xử với cha mẹ già không tốt, bữa ăn thường dọn muỗm dừa thay chén cho cha mẹ ăn vì sợ cha mẹ làm vỡ bát kiểu đắt tiền. Một ngày kia ông bà thấy cậu con trai làm một cái muỗm dừa, ông hỏi :”mày làm muỗm dừa chi vậy?” cậu con trả lời : “tui làm sẵn để mai mốt tía già tui cho tía ăn”. Nghe vậy ông bà tỉnh ngộ đối xử với mẹ cha hẳn hoi hơn để hy vọng khi già cậu con tử tế với mình.” nay không hợp thời nếu bạn đang sống trên đất Mỹ.

Già có viện dưỡng lão, có quỹ hưu bổng, có tài trợ từ chính phủ , các con các cháu đi làm để có tiền đóng thuế, có tiền gởi vào quĩ hưu bổng cho chính họ khi đến lúc họ già. Cái vòng tròn đã được tính toán trước, biết trước thì dọn bát kiểu đắt tiền hay muỗm dừa là điều con cái đâu cần hiểu , muỗm dừa hay bát kiểu là do sự để dành của chính người muốn được thụ hưởng.

Vậy phải làm sao bây giờ khi tháng ngày thanh xuân đã qua, giờ khắc xế chiều đã đến?

Như Hoa – Ấu Tím tháng 8-2022

(Tôi vừa rời thác nước nổi tiếng Multnomah Falls, tin tức hôm nay cho biết có người bị rơi xuống vực và mất tại đường mòn đến thác Wiesendanger, những đường mòn dẫn đến nguồn nước trên đỉnh thác, tôi nhớ đã không theo các bạn và khuyên các cô đừng thử sức với thiên nhiên khi tuổi đời đã quá số 60 – ráng sống thêm vài chục năm để nhìn đời thay đổi)

May be an image of outdoors

One Reply to “Không Còn Trẻ Nữa!

  1. Trích: “. . . anh đã thực hiện xong lời hứa đưa em lên thác xuống ghềnh qua năm châu bốn bể . . . .”
    Ông của bác to gan và khéo nói gớm. Tưởng sắp đọc bác kể chyện 10 ngày leo đèo ngắm thác; hóa ra bác càm ràm chuyện nhà nuôi người già. Bác chưa đến phiên mà. Happy, safe travels.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: