Xem Phim Bộ

Có bao giờ ông bà cô bác anh chị xem phim bộ chưa?

Hẳn ai cũng đã nghe đến nó nếu chưa được xem. Lâu lắm rồi, các bộ phim Hồng Kông – Tàu được chuyển âm – lồng tiếng sang tiếng Việt đã giúp không biết bao nhiêu người giải trí đỡ buồn, nỗi buồn nhớ quê hương Việt Nam khi bỏ xứ đi tị nạn.
Ở quê nhà cũng thế, sau 1975, để quên nỗi buồn lo, nỗi chia cách, mỗi gia đình mỗi cảnh, cho dù có đoàn viên nam bắc – cho dù có người tập kết trở về. Nhưng nỗi chia cách vì bị bắt đi học tập, bỏ nước ra đi bằng tàu bằng chiến hạm bằng máy bay nhiều hơn, không ngưng lại mãi kéo dài đến thập niên 1980, cả triệu người Việt Nam làm mồi nuôi cá, cho dù là họ tự nguyện. Nhiều trang sách viết, nhiều chuyện kể lại, những chuyện bi ai thời hậu chiến, xem phim bộ cũng là một điều đặc biệt trong khoảng thời gian ấy, bên cạnh rượu đế tự cất tại nhà, một can hai mươi lít cần thêm một đầu tăm “thuốc rầy”. Phim bộ được xem tại các thành phố lớn, bằng những đầu máy video mua lậu từ chợ trời.
Đầu tiên là các rạp chiếu phim lén lút – sau đó lan dần đến từng “hộ dân”

Các đầu máy video này được sản xuất từ Nhật – từ Trung Quốc, theo đường vận chuyển nào không biết, hải quan chẳng cần biết có gì trong các kiện hàng, chỉ cần các đầu nậu giấm giúi cho một “phong bì” dầy cộm là kiện hàng thoải mái được mang về kho. Từ các kho này, hàng hóa được phân phát qua các sạp bán đồ “điện máy” chữ nghĩa khoảng ấy tự nhiên đảo ngược cho vui, những bảng vẽ to tướng của các cửa hàng chính thức của phường quận huyện xã, không phải là nơi cho dân chúng đến mua hàng, nơi ấy chỉ là nơi để tuồng hàng lậu ra ngoài bán giá chợ đen, dĩ nhiên chủ nhân lúc nào cũng có một tờ giấy chứng nhận, không là chú này cũng là bác kia “có công với cách mạng”!

Có một dịch vụ nào lạ đời hơn không nhỉ, khi người có đầu máy video cho mướn giờ để có tiền mua gạo. Tôi không nhớ giá tiền thuê một tiếng là bao nhiêu, vì đã quá lâu rồi, các bộ phim len lỏi từ đâu vào Việt Nam tôi cũng không biết, chỉ biết có một cơ quan nổi đình đám lúc ấy là cơ quan kiểm duyệt “văn hóa phẩm”, quyển sách băng cassette, đĩa hát, băng nhựa . . . không cần biết nội dung gì trong đó, chỉ cần của ngày xưa là bị gán cho tên “đồi trụy Mỹ Ngụy”. Từ lý do này mà các “công nhân viên” làm việc tại đây có tiền sống thoải mái hơn dân thường, họ chỉ cần lấy vài băng đĩa cũ tuồn ra cửa sau kèm theo một tờ giấy có đóng mộc cho phép lưu hành, là xong.

Các phim bộ khởi thủy nguồn gốc không rõ, đã được chuyển âm từ Hồng Kông, người chuyển âm nói tiếng Việt không rành, vì thường là người Việt gốc Hoa, vượt biển sang Hồng Kông tị nạn, vậy đó mà dân chúng thích thú theo dõi ngày này sang ngày khác thay vì phải xem truyền hình mỗi tối chỉ toàn những tuyên truyền, chán ngắt, mặc dù họ cũng có cho chiếu những bộ phim của Nga, của các khối cộng sản Đông Âu, nhưng dĩ nhiên phim không có tình cảm ướt át và chắc chắn không hay bằng phim của khối tư bản.

Tôi có thời sống ở miệt vườn, nơi đây phong trào xem phim càng đáng nhớ, hai ba “hộ dân” chung tiền mướn “đầu mái” sau đó chung tiền mướn phim coi chung. Nhà ở miệt vườn cách nhau khoảng vườn, cách nhau vườn trầu, vườn cau ngất nghểu, đến giờ các cháu bé chạy kêu người lớn: “Nhà Sáu Hồng chiếu phim tàu đê . . . .” ngồi hạng nhất thường là người trong nhà, cái tivi màn hình 19 – 20 inchs hiếm hoi, phim đi thuê – đầu máy thuê sang tay bao nhiêu người, hình ảnh lù mù, thế mà người ta say sưa xem qua hết đêm cho xứng với món tiền bỏ ra thuê mướn máy.
Đâu có dễ để mướn, phải ra chợ, phải đặt cọc, phải chờ đợi tới phiên, trên hết cái nhà muốn chiếu phim bộ phải có điện, nguồn điện truyền từ đường cái, len lỏi vào đến miệt vườn phải đi ngoằn ngoèo cả cây số, vượt qua các ngọn tre, các trụ cây đong đưa, sợi dây điện mỏng manh muốn đứt thì đứt, muốn khoe chì bên trong ra ngoài vì nắng mưa dập vùi thì khoe, chẳng ít lần sau cơn mưa người ta bị điện giật chết vì xui xẻo, thì lúc ấy chữ “xui xẻo” luôn được lập tới lập lui, biết “đổ hô” cho cái gì bây giờ chứ?

Có lần một cháu bé 8 tuổi bị điện giật chết đen thui, xôn xao cả xóm, người ta bu vào mắng chửi chủ nhà câu điện truyền dây ẩu tả, không cột kỹ để nó rớt xuống vũng xình, cháu nhỏ đi chơi nhà bạn về lơn tơn lội vào, còn chỗ nào khác trên con đường đất nhỏ xíu, đi qua vườn trầu về nhà đâu! Không biết cháu chết lúc nào, người hàng xóm đi bán về, thấy con nhỏ nằm co xấp mặt, tính bước tới bị điện giật la làng, lúc đó xóm mới hay!

Năm 1991, sang San José, ngồi trước cái tivi to đùng, gấp hai cái tivi nhỏ xíu hồi đó, cùng cái thùng gỗ bề thế nhìn nó to gấp bốn cái tivi ngày xưa ở Việt Nam, vừa đút cơm cho con, vừa xem phim Quỳnh Dao, có Lưu Tuyết Hoa có Tần Hán, Dòng Sông Ly Biệt, xem phim bộ đồng nghĩa với khóc, với buồn thê thảm theo cô đào đóng phim xuất sắt – truyện Quỳnh Dao luôn luôn đưa ra nỗi trái ngang cô gái nghèo yêu anh chàng con nhà giàu. Tình không trọn vẹn, kẻ sống người chết – rồi Hải Âu Phi Xứ v.v tôi xem phim bộ không được vì lê thê quá, tốn thì giờ quá, có lẽ lúc ấy mới sang tị nạn – xum họp, lòng đang ao ước phải học phải làm, phải củng cố đời sống mới, trăm ngàn nỗi lo, nhà ở cơm ăn áo mặc, con cái, nên ngồi xem phim là sự lãng phí không thể nào chấp nhận nổi.
Bây giờ, những cái đầu máy video đã được đem ra nhà để xe chất đống, trong nhà có bốn phòng thì ít ra cũng phải có ba cái, phòng cha mẹ, phòng con gái, phòng con trai. Kỹ thuật đâu chịu ngừng ở cái đầu máy video cồng kềnh, nó tiến lên cái máy dvd, cái computer, cái laptop, thuở này ai mà đi mua mấy cái tape bự như quyển sách nữa, ngay cả cái dvd bằng bàn tay cũng choáng chỗ vô ích, mướn phim của toàn thế giới chỉ cần vào netflix tha hồ xem, bao thơ màu đỏ gởi đến tận nhà, xem xong cũng lại quẳng nó vào thùng thư. Chỉ vài năm trước đây thôi, người ta còn phải xếp hàng mướn phim trong các tiệm Blockbuster, nay tiệm cũng đóng cửa mất tiêu, mở rộng cửa trên trời, bắt đầu bằng ba chữ www.

Bạn tôi và con gái út 24 tuổi của tôi vừa cho địa chỉ vào xem phim không tốn tiền tại hulu.com, nếu chịu trả tiền sẽ không phải xem quảng cáo mỗi 15 phút. Lạ là cô nàng đang đi học cực ơi là cực, lại có giờ xem phim, không phải soap opera mà là phim Đại Hàn, có phụ đề tiếng Anh. Tôi đã thoải mái ngồi xem 25 tập, chuyện tình học trò trong một trường trung học giàu có bên Đại Hàn, dĩ nhiên chuyện tình này cũng có người giàu yêu người nghèo, gặp bà mẹ tai ác chia uyên rẽ thúy – tuổi trẻ luôn thắng, nên kết quả có hậu. Tài tử dễ thương nên sau 25 tập tôi bị nụ cười của cô bé ấy ám ảnh mất mấy ngày. Tên phim là Boys Before Flowers.

Có lẽ xem phim vui hơn xem tin tức – nhất là những “tin tức mình” .

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: