Có nhiều quyết định tưởng dễ nhưng khó vô cùng. Cắt hay không cắt tóc.
Mái tóc tôi có từ ngày còn con gái, đến mãi bây giờ. Người ta thi vị hóa mái tóc trong nhạc, trong thơ, với tôi tóc là bạn, là một phần thân thể cha mẹ cho tôi và tôi qúy nó.
Tôi còn giữ tấm hình thẻ học sinh năm học lớp nhất. Tóc tôi dài hơn vai một chút, đường ngôi chẻ giữa. Tấm hình năm học xong trung học, đi thi tú tài, mái tóc dài hơn thắt lưng vẫn đường ngôi chẻ giữa.
Nhớ ngày còn học tiểu học, một lần tôi bị lây chấy (chí), cảm giác ngứa ngáy sau khi chơi nhảy dây, chân tóc ướt mồ hôi bị chấy cắn, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ và ghê ghê sống lưng. Lần ấy khi me tôi biết tóc tôi bị chấy, bà dùng lược dầy, bắt tôi cúi đầu xuống tờ giấy trắng, để bà chải cho tôi. Mấy con chấy đực màu đen, mập máu, bị bà dùng móng tay cái, dí xẹp giết chết trên tờ giấy, con chấy cái nhỏ hơn màu xám, có mấy con chí mén mới nở nhỏ như đầu tăm màu trắng, me tôi bảo: “Nó nhỏ nhưng cắn đau phải biết.”
Vừa chải đầu bằng lược dầy, vừa phải tước những cái trứng “chắt” chưa nở, bám trên tóc mỗi ngày cho tôi chưa đủ, bà còn phải nướng trái bồ kết, nấu nước và gội đầu cho tôi nữa. Me tôi vắt vào thau nước sau cùng vài giọt chanh, bà bảo: “Chanh làm cho mướt tóc.” Kể từ ngày ấy, mái tóc tôi được gội bằng bồ kết và chanh. Đến năm mười hai tuổi, tôi đã tự nấu bồ kết, và gội tóc lấy một mình.
Trái bồ kết, có người gọi là chùm kết, hình dạng như trái điệp tây, dài khỏang gang tay. Khi trái khô trở thành màu đen, đem nướng vừa đủ để tươm nhưa bóng, lấy hột ra bẻ nhỏ, thả vào nước đem nấu. Sau khi sôi khoảng mươi phút, màu nước trong chuyển thành mầu nâu sóng sánh. Mùi thơm của bồ kết sau khi nướng, quyện bốc theo hơi nước thanh thanh. Lọc nước sang chậu, pha thêm nước lạnh để nước ấm lại, là gội tóc được. Có lần bận học quên gội đầu, tôi để nước bồ kết qua một đêm, bị me tôi mắng: “Để nước thiu mới gội đầu còn gì là hương bồ kết hả con!”
Tôi nhớ cái thau đồng dùng riêng để gội đầu, vành chậu có chạm hình kỷ hà, mỗi khi cúi xuống cho mái tóc chảy dài vào chậu, tôi thấy lấp lánh chính khuôn mặt tôi.
Mua bồ kết dễ lắm, trong tiệm chạp phô nào cũng có bán. Ngày còn dùng than nấu cơm, thường thì sau khi làm cơm trưa xong, tôi đặt nồi bồ kết lên cái bếp còn than dư, cứ để đấy. Than vừa tàn, là bồ kết đủ cho hết tinh túy của nó hòa vào nước.
Cơm nước dọn dẹp xong, cả nhà đi nghỉ là giờ tôi gội đầu. Giờ ấy nắng rất hanh, gió rất vừa, để hong khô mái tóc dầy của tôi. Tôi không biết vì gội đầu bằng bồ kết mà tóc tôi dày, hay vì tôi giống bên nội. Bà nội, bác, bố, chú, cô tôi, ai cũng có mái tóc dầy, nhất là bác gái của tôi, tóc đã dầy còn chảy dài xuống tận gót chân. Gội đầu xong, bác phải đứng lên cái ghế đẩu cao để chải tóc.
Bố tôi hay xin tóc rối của bác để đánh gió. Tôi nhớ có lần tôi than đau đầu, bố tôi lấy gừng giã nhỏ trong cái chén sành, vắt vào ít chanh, đổ vào tị rượu trắng, xong xuôi ông lấy nùi tóc rối vo tròn khoảng qủa chanh, nhúng vào dung dịch ấy, day vào hai bên thái dương và xoa dọc hai bên sống lưng cho tôi.
Bác thích nghịch tóc của tôi lắm. Mỗi khi bác đến chơi, thế nào tôi cũng tìm dịp mon men lại gần bác, để bác vừa nói chuyện với mẹ, vừa chải đầu kết bính tóc cho tôi. Bác kết được bính năm, thay vì bính ba như tôi thường kết lấy một mình.
Bác vấn tóc trần khéo khéo là, mỗi khi bác vấn tóc, tôi chống cầm ngắm bác mải mê. Bác nghiêng đầu sang phải, dùng lược chải hết tóc sang một bên vai. Bác có một đoạn dây vải màu đen dùng để cột bó tóc lại trên vành tai, sau đó bác xoắn đều tóc và vấn tròn lên đầu. Vòng thứ nhất tròn trĩnh quanh đầu, vòng thứ hai mỏng hơn nằm bên trong được gài khéo léo bằng vài cái kim gút, đoạn đuôi tóc dư bác khéo léo nhấc vòng tóc lên để nó thò ra khỏi vành, như cái đuôi gà.
Bà tôi không vấn tóc trần, mà vấn bằng khăn nhung. Cùng một điệu bộ như thế, nhưng sau khi bó tóc bằng dây vải, bà dùng một miếng nhung đen ngang bằng một gang tay, dài non một thước, bọc tóc lại, dùng kim gút gài mối khăn vào tóc, sau đó gói hết tóc vào khăn, bà cần khoảng bốn cái kim để gài đều tóc vào khăn, sau đó quấn tròn lên đầu. Bà ngoại tôi tóc ít, nên bà phải dùng thêm một cái độn tóc, may bằng vải đường kính khoảng ba cm, dồn vải vụn vào, sau đó dùng dây vải quấn tóc chung quanh cái độn, và sau cùng vấn khăn.
Bác tôi hay bảo: “Cháu nuôi tóc cho dài, rồi bác bảo cho mà vấn tóc. Tóc cháu dầy vấn đẹp lắm, mày có những hai cái đuôi rùa con ạ.” Đuôi rùa bác bảo là những ngọn tóc măng mọc ngay đằng sau ót. Người ta hay nhìn tóc con nít có đuôi rùa sau ót hay không, mà đóan nó có thêm nhiều anh chị hay không.
Nghe bác nói tôi có hai cái đuôi rùa, tôi hỏi: “Ở đâu cái nữa hả bác?” Bác chỉ ngay giữa trán của tôi, nếu vuốt hết tóc ra sau sẽ thấy chân tóc vẽ thành cái góc của hình trái tim. Tôi thích lắm, vì các cô đào cải lương, hay vẽ thêm thật đậm cái đuôi rùa ấy.
Nỗi ham muốn được vấn tóc, khiến tôi chiều chuộng mái tóc của tôi hết mực. Ai chỉ cách gì để tóc dài nhanh tôi đều làm theo cả. Thí dụ như mỗi đêm phải chải tóc nhẹ nhàng, mỗi tháng phải dùng kéo nhấp đầu ngọn tóc.
Đến mùa Hè nóng nực, nghe mẹ bảo phải cắt bớt tóc là tôi sợ lắm, luôn đi trốn.
Mẹ tôi bảo:
– Không cắt phải buộc tóc cho cao.
Hứa với mẹ, nhưng mẹ vừa xoay đi là tôi lại tháo sợi thun vứt đi, vì tôi thích cảm giác tóc vướng vào mặt khi chơi nhảy dây, nhảy lò cò.
Đi học lớp hè với cô giáo Trinh người Nam, dưới căn nhà mái tôn, cả thầy lẫn trò đều thấy nóng, cô bảo tôi cột tóc lên cao, tôi nghe lời cô giáo nhưng không vui. Đằng sau lưng tôi có mấy tên con trai, tụi nó hay lén bứt tóc tôi để đá dế, tụi nó rình cô giáo đang giảng bài bứt đại, tôi giật mình la lên, thế là cô giáo bắt tên giựt tóc tôi, qùi trên vỏ mít. Nó giận tôi, không cho tôi xem tóan đố nữa. Sau này khi nó xin, là tôi tự bứt một sợi tóc cho nó ngay.
Tôi ghét con trai chơi ác, nhất là ghét trò đá dế mà tôi phải cho nó tóc của tôi vì tôi nghĩ đến những bài tóan khó. Tôi tội nghiệp con dế lửa có cái cánh màu vàng, bị cột vào sợi tóc, xoay vù vù cho chóng mặt, trước khi thả vào đấu trường “đá lộn.”
Đấu trường là cái hộp nhỏ bằng giấy bồi, hay sang hơn là cái hộp thiết dùng đựng bánh quy hay bánh trung thu, có một lớp cát mỏng, vài nhánh cỏ. Hai con dế cụng đầu vào nhau, con nào chạy vòng vòng sát thành hộp, không cụng đầu vào con kia nữa là thua. Thằng có con dế thua, nắm râu con dế lên thổi phù phù, hay dùng tóc của tôi đụng vào râu của con dế, để con dế chịu nhào vào đá lại. Chỉ có thế mà có khi mấy đứa con trai đánh nhau inh ỏi.
Lớn lên tí nữa, khi được mặc áo dài đi học, nhiều hôm nóng qúa mồ hôi đẫm ướt cả lưng áo, tôi vẫn lì không chịu cột tóc cao lên.
Khi biết điệu, tôi hái hoa ngọc lan cột vào trong tóc. Đường Tú Xương có nhiều hoa ngọc lan, đi học về ngang, tôi không ngại cột hai tà áo, leo lên rào hái hoa, có lần chó sủa, chủ nhà chạy ra, tôi thong thả ôm cặp đi, mấy tên con trai về chung đường với tôi, lãnh đủ lời mắng vốn. Có ai nghĩ con bé tóc dài nhỏ nhắn ấy dám leo rào hái hoa kia chứ?
Về sau tôi có nguồn cung cấp hoa ngọc lan, mấy năm dài ròng rã, mỗi lần cả bụm hoa hàm tiếu từ một người bạn học chung trường, biết tôi thích hoa ngọc lan, nhà người ấy lại có một gốc ngọc lan cổ thụ. Tên của anh chàng ấy mà ghép vào với tên tôi, sẽ thành tên của một quốc gia hùng tráng nhất thế giới.
Các bạn học hay chơi ghép tên đứa này vào đứa khác để chọc ghẹo, tôi không thích như thế, nói thẳng và đi mách với thầy giám thị. Từ chuyện này tôi và anh chàng thành bạn. Có lần tôi xúi anh ta leo lên cành phượng hái cả chùm thật to, để tôi cùng các bạn dùng nhụy của hoa chơi đá gà, cánh hoa thì ép thành hình con bươm bướm.
Anh ta đang ở tít trên cành cao, thầy hiệu trưởng đi đến. Thầy kêu anh ấy xuống và bắt qùy ngay dưới gốc cây. Tôi tự động đến qùy xuống bên cạnh, thầy hỏi tại sao?
Tôi trả lời vì chính tôi là người có lỗi, tôi muốn hái hoa, không phải anh ấy. Thầy hiệu trưởng cười xòa tha cho cả hai, chỉ dặn không được leo nữa kẻo ngã.
Từ ngày có nhiều hoa, tôi ngậm hoa vào miệng, cột hai ba đóa vào trong tóc, đi đến đâu mùi thơm vương theo đến đấy, bố mẹ tôi mắng yêu:
– Khiếp! Con gái điệu rơi điệu rụng.
Và tôi cũng hay ngâm nga bài hát:
“Ngọc lan dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng. . .” của Dương Thiệu Tước .
Khoảng thời gian ấy, các cô tóc dài có cái kẹp ba lá để kẹp tóc. Kẹp ba lá làm bằng nhôm mỏng, có đúng ba miếng, dễ bị tuột, không đẹp, tôi dùng khăn voan mỏng của mẹ cột tóc. Khăn voan có thể thắt lại thành hình hoa và phần dư ra của khăn bay theo tóc, đẹp lắm.
Và tôi được vấn khăn một lần. Vấn để bà tôi và bác tôi được dịp kể lại thời con gái của bà và bác. Tôi nhìn ngắm bà và bác tôi vấn khăn mãi, nên đến khi tôi vấn tóc mình dễ dàng như tôi từng làm mỗi sáng. Mái tóc thành vòng, như vương miện đội đầu, bà tôi bảo bác:
– Nó đẹp y như chị ngày xưa.
Bác tôi thì:
– Nó giống y như hình của me hồi trẻ.
Bà tôi có một bức chân dung xinh lắm chụp ở Hà Nội, tôi giống bố, nên giống bà, giống luôn cả bác. Tiếc ghê, không ai chụp cho tôi tấm hình với mái tóc vấn xinh xăn ấy.
Tôi nhớ có lần tôi đánh rối, chải đường ngôi tóc sang một bên làm điệu. Thầy giáo dậy văn vừa vào lớp đã nói ngay với tôi:
– Con gái phải giữ đường ngôi tóc giữa, thờ mẹ kính cha, trung trinh chung thủy, sao em lại chải tóc ngôi bên.
Từ đó tôi không dám thay đổi đường ngôi tóc nữạ
Các bạn cùng lớp với tôi sau này kể lại:
– Thầy mê mái tóc của mày, lấy ngay bà vợ tóc như rễ tre, chả thấy đường ngôi ở đâu.
Tôi biết có vài sợi tóc tôi vãi vương đâu đó thời:
Trời mưa không lớn lắm
Cũng đủ ướt đôi đầu
Tình yêu không đáng lắm
Cũng đủ làm tiêu nhau
Đường đời đau có chặng
Em tính còn ham chơi
Lưng ngoan dòng tóc xõa
Môi trinh thơm thích cười. .. *
Những tiếng chân gõ nhịp sau lưng trên đường về học và những câu thơ học trò có lời đề tặng ân cần trên báo thật vu vơ:
Chiêm bao người tóc thả
Ngậm trên môi tình đầu. . .
(Tặng người tóc thả, đọan đường cùng về học, trên đường Vĩnh Viễn)
Mà đâu chỉ riêng tôi có mái tóc nhỉ, bao người thiếu nữ thời tôi, có mái tóc như thế. Để thơ văn mang bao sợi tơ giăng.
Anh họ tôi còn kể tôi nghe, một lần những sợi tóc ai đó đi bên cạnh, theo gi ó quấn vào cánh tay trần của anh, khiến anh chết điếng cả người, như bị điện giật.
Anh bảo tôi phải coi chừng, đừng để tóc bay lung tung mà có người chết không kịp ngáp. Anh đùa thế mà tôi tin, chưa kể anh còn dọa:
– Đứa nào nhặt được tóc của mi, đem về bỏ vào túi áo nằm ngủ đúng trăm ngày là mi mê nó như điếu đổ.
Tôi sợ lắm giữ tóc như vật bất ly thân, sợi nào rụng cũng nhặt lại cất kỹ.
Thế mà có người đã giữ được sợi tóc tôi làm bằng chứng là họ có nghĩ đến tôi.
Người ấy là con trai của bác chủ sạp báo ở góc đường Minh Mạng – Hòa Hảo. Mỗi tuần tôi đều ghé để mua báo Tuổi Ngọc. Tôi hay nói chuyện với bác. Bác chỉ có mỗi sạp báo mà nuôi bốn anh con trai ăn học, bác không có con gái nên bác thích hỏi han tôi lắm. Bác người Bắc, răng nhánh đen, nhưng bác bới tóc không vấn khăn như bà và bác gái của tôi. Bác cho tôi đọc thêm báo khác không cần mua, tôi cứ đứng tựa lưng vào sạp đọc thỏa thích, nào văn, nào thơ, có hôm bác còn cho tôi hình bìa của báo Pháp để trang trí vở học.
Tôi nhớ hoài những quyển vở bao bằng tờ ny-lông trong suốt, ép bằng bàn ủi than. Tìm được những tấm hình lạ, lồng vào bên trong đẹp đẹp là. Anh con út của bác, trạc tuổi tôi, lâu lâu ra bán hàng phụ mẹ. Lần ấy tôi đến không gặp bác chỉ có anh, tờ báo Tuổi Ngọc tôi mua, khi về nhà mở trang đầu có kèm tờ giấy caro viết vài hàng nắn nót bằng nét bút parke nắn nót:
Giữ sợi tóc của người
Treo tình ta vào đấy
Gío lay tình đong đưa
Lạy trời người ngó thấy.
Tôi đọc mà run, chỉ sợ anh ấy biết cái bùa của ông anh họ tôi nói: “Đứa nào nhặt được tóc của mi, đem về bỏ vào túi áo nằm ngủ đúng trăm ngày là mi mê nó như điếu đổ.”
Từ đó tôi mắc cở không dám vào mua báo khi chỉ có anh.
Tôi vừa lớn là me tôi vừa mất. Trước khi mất, me tôi cắt tóc. Mái tóc còn lại của me tôi dài hơn nửa thước, tôi gói và cất vào một chiếc hộp gỗ. Lần bác gái tôi đến làm trăm ngày cho mẹ, tôi đưa bác xem, bác bảo: “Điềm gở con thấy không, đang tự dưng sao lại cắt tóc đi.”
Bác còn bảo cho tôi biết, tóc của người đã khuất không làm tóc mượn được, vì nó sẽ rối, không mượt mà. Miền Nam các bà búi tó, nên có rất nhiều người mua tóc để làm tóc mượn, tức là dùng tóc người khác độn chung vào mái tóc thưa của mình, để khi búi tó đẹp hơn.
Me tôi mất, tôi xõa tóc và cột khăn tang như cái băng đô đội đầu. Sau ba tuần bố tôi bảo:
– Thôi các con đừng chít khăn ngang đầu nữa, trông buồn lắm. Mẹ biết các con yêu mẹ, cần gì mảnh khăn trắng ấy.
Rồi ngày cưới của tôi đất nước bão bùng, chị thợ làm tóc cứ mân mê mái tóc tôi, bới tỉa trầm trồ: “Tóc em đẹp qúa,” chị bới hết tóc tôi lên cao, chiếc khăn vành dây xinh xắn bọc mái tóc, nhìn vào gương đằng sau lưng, những lọn tóc quấn quít cùng nhau. Đây cũng là lần đầu tôi uốn tóc, vì chị nói tóc không uốn, chị không chải bới gì được.
Sanh cháu đầu lòng, me chồng tôi bảo phải cữ không được gội tóc một tháng, sợ dễ bị nhức đầu và rụng tóc về sau. Nghe lời bà, tôi tết bính mái tóc, chịu đựng được một tuần, sau đó tôi phải nấu nước xả lén gội đầu, vì không sao chịu được cảm giác tóc nhơm nhớp dính vào nhau.
Có lần, tôi dự định bỏ nước ra đi. Lần ấy tóc tôi búi đầy một búi như các bà ở miền Tây, mặc áo bà ba lụa màu đà, chỉ khác là không bôi dầu dừa lên tóc. Các chị, các bà ở miền Tây, dùng dầu dừa bôi lên tóc, giữ cho tóc mượt, và khi búi không bị tóc con chỉa ra ngoài. Lần ấy nhóm tôi bị du kích xã bắt, vì chia vàng bến bãi không đều. Ngồi trong gian nhà tranh, ủy ban xã, tóc tôi xổ tung. Chú du kích xã được thể ra oai, lớn tiếng kêu:
– Chị kia đến đây.
Hắn chỉ vào tôi, sau đó là một tràng dài lời dậy dỗ, đại khái nước nhà giàu đẹp, sao lại trốn đi theo ngụy tặc vân vân. Tiện tay có con dao, hay vật gì đó tôi không rõ, hắn nắm một mớ tóc của tôi mà cứa. Ông chủ tàu kịp chạy chọt cho chúng tôi được thả ra, về lại Sai Gòn ngay sau đó. Dĩ nhiên tôi có mái tóc kiểu con trai, ngắn hơn vành tai. Con tôi lúc ấy còn bé, không thấy thay đổi của mẹ, nhưng chồng tôi, và các bạn khi gặp tôi với mái tóc lạ, ai cũng tủm tỉm cười.
Sau chuyện này chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện vượt biên nữa, chồng tôi bảo:
– Thôi kệ em ạ, cột đèn ở lại, mình cũng ở lại.
Đến khi sửa soạn ra đi chính thức, điều chồng tôi hay lo lắng thứ nhất là cây ngọc lan không ai chăm sóc, thứ hai là: “Sang đó chừng hai ba năm tóc em xoăn tít như cọng mì khô.”
Bây giờ đã hơn mười hai năm “sang đó,” mái tóc tôi vẫn thế, không xoăn, không uốn dĩ nhiên màu thì có nhạt như nắng chiều gần tắt, vài sợi nhạt hẳn thành sương muối. Các con mua thuốc nhuộm cho mẹ, màu hạt dẻ, màu lá thu. Tôi vẫn ngại ngần chưa muốn thay đổi.
Không biết có phải vì gội đầu sớm sau khi sanh con so không, mà tóc tôi rụng nhiều ghê, tóc ngắn rụng chắc không thấy nhiều bằng tóc dài. Thế mà me chồng tôi vẫn bảo: “Tóc con tốt thật, đến giờ vẫn dầy và mượt.”
Nghe mẹ chồng khen, tôi lại tự hỏi: “Có phải tóc tôi còn dầy vì tôi đã gội tóc bằng bồ kết hay không?
Bây giờ tôi gội tóc bằng đủ mọi loại dầu, đủ mọi mùi hương, tôi vẫn nhơ nhớ hương bồ kết. Cứ nhắc cứ ước ao, đến nỗi cô bạn học, một lần về thăm nhà, mang sang cho hẳn một bao, với lời nhắn nhủ:
– Tại mày mà tao phải nói xạo với hải quan, nó hỏi cái gì, tao bảo thuốc bắc. Chứ nói thiệt để nấu nước gội đầu, nó giục vô thùng rác là cái chắc.
Cô bạn của tôi người Nam rặc, nó cũng thắc mắc, tại sao tôi thích hương bồ kết đến thế.
Hỏi ông nhà tôi:
– Tóc em có dính líu gì vào tình sử của hai đứa không?”
Anh trả lời:
– Nó cột anh cứng ngắt.
Xuân 2001- Ấu Tím
Đọc được bài viết của Tú Duyên do SonY post chị cám ơn nhiều lắm . Xin phép được trích dẫn vào đây để bạn đọc biết về một loại cây, một thời đã để lại mùi hương trong tâm tưởng bao người .
Hương Nồng Bồ Kết
Tú Duyên
Đường về thênh thang giữa hai hàng cây rung nhẹ. Nếu như con đường cứ dài mãi thì cũng chẳng bằng niềm dai dẳng bởi nỗi nhớ em len lỏi trong anh. Như thoảng trong gió hương thơm nào quen lạ. Anh biết đó là khi anh nhớ đến em, người đã làm anh say lòng bằng hương bồ kết tinh khôi và đằm thắm bao ngày.
Những câu chuyện em kể về cây bồ kết đã gieo vào trong tâm hồn người con trai thành thị như anh những xúc động về một tâm hồn mộc mạc, hồn hậu với vẻ đẹp diệu kỳ. Em kể về cây bồ kết trong góc vườn nhà em mỗi năm chỉ đơm hoa kết trái một lần nhưng quả bồ kết nhỏ nhắn và đen đúa lại hồn hậu mang tấm lòng thơm thảo của mình để gìn giữ cho mái tóc những người con gái quê như em. Hoa bồ kết nở vào mùa xuân, trên từng cành cây thô ráp cỗi cằn nở bung ra từng mảng hoa trắng nhạt li ti trên nền trời. Em luôn nhận ra mùi hương ngai ngái của hoa quyện vào các làn hương kiều diễm của các loài hoa khác. Nhưng dù thầm lặng, hoa cũng đã tô điểm cho không khí ấm nồng và niềm háo hức khi xuân sang. Cây bồ kết lúc ấy như cựa mình trong tấm thân gai góc và thô ráp, những chiếc lá mỏng mảnh trở nên xanh thẫm mỡ màng. Mùa xuân qua đi, những hoa bồ kết dần rụng xuống và từng chùm quả non bắt đầu xuất hiện lúc nào không hay. Hè chói chang và thu sang dịu nhẹ. Em ngồi trong bàn học nhìn ra khung cửa quan sát cây bồ kết đang âm thầm cóp nhặt những quả mới. Từng chùm quả xanh non khắc khoải chờ mong đến những ngày tháng viên mãn nhất của từng trái bồ kết. Trông cây bồ kết lúc này thật tội nghiệp và đơn côi với sự chờ mong da diết nơi góc vườn chứng kiến muôn loài quả đến mùa thăng hoa trong mỗi đợt thu hoa.ch. Cây bồ kết như bị quên lãng nơi góc vườn. Khi thu qua đi và đông tới, cơn gió mùa đông bắc tràn về thổi cái không khí lạnh giá của mùa vào những cành cây. Mọi loài cây câm lặng trút lá và thu mình vào góc riêng chờ xuân tới. Chỉ còn cây bồ kết vẫn với dáng vẻ lặng lẽ nhưng đã bớt khổ hạnh hơn bởi trên khắp cành lá khô kiệt sức vẫn vươn ra những lời nói nhỏ nhẹ: đã vào mùa thu, đã vào mùa.
Trời đã vào đông u ám, cây bồ kết cũng trút lá sau bao ngày thầm lặng đã dâng hiến mùa quả chín. Nói là mùa quả chín để an ủi cho loài cây này chứ thật ra có mấy ai để ý và biết đến một mùa quả bồ kết khi đang ở chốn phồn hoa. Từng chùm quả bồ kết lủng lẳng treo trên cành lá lúc này đã trở nên mẩy hạt, mình lẳn và chuyển dần sang mầu đen sẫm. Tất cả như mang một lời hứa tốt đẹp dần: trong những trái bồ kết đen nhánh và nhỏ nhắn ấy sẽ mang sức sống của mình đến những mái tóc đen dài làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên của con người.
Mái tóc em cũng đã dài theo mỗi mùa bồ kết. Chỉ với một vài quả bồ kết cùng nắm lá sả, thêm vào một ít nước sôi, thế là đã cho em một loại dầu gội tuyệt hảo. Mái tóc em lại mượt mà hơn sau mỗi lần gội. Hương thơm nồng ngai ngái của bồ kết theo làn gió nhẹ nhàng truyền đi khắp nơi. Mùi hương đặc biệt ấy quấn quýt với anh trong những năm tháng dài yêu em. Một mùa đông nữa lại về mang theo mùi hương ngan ngát của mùa. Khi xuân đến bồ kết đơm hoa, qua hạ rồi thu sang để khi đông về là có bồ kết chín. Dù cho những đổi thay của bao mùa, bồ kết vẫn giữ mãi tấm lòng trinh nguyên hồn hậu thuở nào.