Khoảng Trống

Khoảng Trống Cảm giác khó chịu khi lên xuống cầu thang máy lần đầu, vừa trở lại với tôi.
Thang máy bây giờ thông dụng mọi nơi, không như ngày xưa tại Việt Nam, thang máy chỉ có trong các công sở của Mỹ và vài tòa cao ốc dành cho người ngoại quốc, trên đường Hồ Xuân Hương. Cảm giác không trọng lượng, khi được nhấc bổng lên cao hay khi rớt xuống làm tôi xây xẩm nhờn nhợn, chỉ khi thang máy dừng hẳn lại mới hết.

Tôi nhớ ngày đi học lớp hè Nguyễn Ngọc Linh, trong ngôi biệt thự được sửa thành trường học, cổng sắt cửa sổ , ngay cả trần nhà đều có khắc những hoa văn thật đẹp, ít ai tỉ mỉ đứng ngắm nghía điều này, đến trường để học xong rồi về, thì giờ nào nữa! Tôi thì khác thay vì tìm bạn để nói chuyện khào, tụm nhau đi ăn quà vặt, bên chợ Đũi hay các góc đường gần chùa Xá Lợi đối diện trường nữ Gia Long, tôi đi tìm xem những điều là lạ của ngôi biệt thự này. Một hôm, có giọng nói nhỏ nhẹ hỏi, “Bồ xem cái gì vậy?” khi tôi đang dùng tờ giấy đặt lên cái viền hoa văn của tường, để đồ lại hình dạng ngoằn nghoèo của lá của hoa, tôi nhớ có cả chùm nho thì phải. Giọng nói ấy trở thành bạn tôi, người bạn cùng tôi lang thang tìm xem có điều gì lạ khắc trên tường. Không ngừng trong ngôi biệt thự này, chúng tôi đi học sớm hơn một chút, sang trường Văn Học trên đường Trần Quý Cáp, tha thẩn vào các lớp, đi lang thang qua các phòng học. Ngoài sân, gia chủ ngăn lại một khoảng để ở, khoảng sân có những chậu kiểng thật đẹp.
Và tôi được bạn dẫn vào tòa cao ốc có ba tầng góc đường đối diện trường Nguyễn Ngọc Linh, nơi gia đình bạn sống trong đó. Bạn dẫn tôi vào thang máy, cái thang máy nhỏ xíu vuông vức khoảng một mét vuông, tối thui, ánh sáng mờ mờ xuyên qua cửa kính từ các ô gạch của bức tường bao bọc bên ngoài, tiếng dây cáp lọc cọc, tiếng sắt chạm nhau, tôi co rúm cả người vì sợ, sau đó tôi chỉ dùng cầu thang lên thăm bạn, bạn chẳng hề biết tôi sợ bước vào cái hộp đen thui biết di chuyển ấy. Lần thứ hai tôi lên thang máy trong trụ sở USAID tọa lạc trên đường Lê Văn Duyệt, góc Sương Nguyệt Anh, trụ sở này cao lắm, chiếc thang máy to hơn êm hơn, có đèn sáng vẫn làm tôi sợ khi nó bắt đầu nhấc tôi bổng lên, tôi thường ghì chặt tay vào bất kỳ thứ gì có thể, vẫn không ai biết tôi sợ cầu thang máy.
Năm 1991, chờ phi cơ sang Mỹ tại phi trường Tokyo – Nhật Bản gần bốn tiếng, tôi dẫn các con đi ngắm phi trường của người ta mà tủi cho phi trường Tân Sơn Nhất của mình. Nhìn người ta ra vào cầu thang máy như đùa, tôi nghĩ tại sao lại để nỗi sợ hãi ám ảnh mình lâu thế, dùng các con làm chất xúc tôi hỏi các con có muốn đi thăm các tầng lầu khác không? Câu trả lời dĩ nhiên là có, thế là tôi bấm vào nút lên xuống, dĩ nhiên lúc ấy tôi đọc các bảng hiệu hơn là chữ, tôi cẩn thận ghi chú tất cả số cổng, số tầng trước khi lìa nhóm HMO dẫn con đi chơi. Bước vào thang máy là một cảm giác dễ chịu, tôi ngửi thấy mùi thơm, không phải mùi oi mốc như chiếc thang máy đầu tiên tôi đi cùng với bạn, đèn sáng choang, không có tiếng lục cục, lọc cọc và nhất là khoảng trống chung quanh rất rộng, không có ai khác ngoài mấy mẹ con, tôi cho thang máy đi lên thật cao, đi xuống thật thấp, sau đó mới bước ra nơi quầy bán lưu niệm, lần ấy hẳn cô bán hàng ngạc nhiên khi tôi dám đòi xem chiếc áo kimono, cô vẫn cho tôi xem, tôi suýt ngất vì giá của chiếc áo quá đắt. Nỗi sợ cầu thang máy vơi đi, tôi dùng cầu thang máy ngày một tự nhiên hơn.
Bỗng dưng nỗi sợ trở về, khi tuần qua tôi dùng cầu thang máy của một bãi đậu xe, phải đậu trên tầng cao nhất, dùng thang máy xuống đất bỗng dưng tôi có cảm giác mất trọng lượng bị rơi xuống. Vì là cầu thang của bãi đậu xe trong bệnh viện chăng mà nó di chuyển ì ạch, phát ra tiếng lạch cạch khó chịu lắc lư! Rơi xuống chậm đáng lẽ phải dễ chịu hơn, sao lại gây cho tôi cảm giác rơi nhanh như lá, hay tại lòng tôi đang suy nghĩ về việc ra đi khỏi cõi tạm, về cõi đời đời của con người, cảm giác ấy ra sao thế nào.
Lâu lắm rồi Phương Đông tin cơ thể người ta gồm xác và hồn:
– Sự sống của xác là da xương thịt nhìn thấy được, vận hành bằng máu bằng khí tạo ra hành động di chuyển.
– Sự sống của hồn không nhìn thấy được, vận hành bằng thương yêu giận ghét, phát ra thành âm thanh lời nói.
Tùy theo tôn giáo để cảm nhận thần khí, với tôi giữ đạo là làm điều tốt cho bản thân mình và tất cả mọi người chung quanh, không phân biệt người thương người ghét, người lạ người quen, tùy duyên mà gặp gỡ, tùy hỉ mà chung vui.
Patrick Swayze vừa ra đi, người đóng vai Sam trong phim Ghost tôi mê say xem và dùng phim này để nói chuyện cho con nghe về linh hồn tốt, linh hồn xấu, về những điều con người mang theo vào cõi khác, cõi chỉ có ánh sáng rực rỡ trong suốt chưa ai thật sự trông thấy bao giờ, dù có vài người tỉnh dậy sau khi tưởng đã chết khẳng định rằng chung quanh chỉ là bóng tối và hơi lạnh.
Nụ cười móm mém nói với tôi: không lưu luyến không hờn giận, không nhớ không màng, tất cả đã hoàn thành, ngày về đã đến. Hình ảnh hoa văn khắc trên bức tường cũ, vẽ vời cuộc đời chau chuốt có nét sắc bén, có nét lu mờ, tác phẩm trang trí nghệ thuật theo thời gian cũng tan đi, phần hồn thất tình lục dục – tham sân si đến ngày gần cuối bỗng hòa quyện vào nhau không còn phân biệt gì được nữa.
Những câu nói làm tôi có cảm giác bay bổng, mất trọng lượng khi lên xuống cầu thang máy, khi nghĩ đến phần hồn của một thân xác thân yêu sắp lìa bỏ tôi mà đi, nỗi sợ hãi lần này không là nỗi sợ bóng tối trong không gian nhỏ nhoi ẩm mốc mà là nỗi sợ chia lìa.
Tôi thấy cái bóng mờ mờ đang dập dềnh muốn thoát ra khỏi xác, dù không lưu luyến thế gian cũng còn chút yêu thương đợi chờ níu kéo, cảm giác lên xuống trong chiếc thang máy lần này pha trộn những điều tôi cảm nhận. Đã bao câu chuyện, hơi thở hắt ra mãn nguyện sau khi người được đợi chờ bước qua ngưỡng cửa. Chỉ một điều chưa thỏa cũng đủ sức níu kéo một linh hồn, không cho nó bay đi.

Con viết cho Ba, 15 tháng 10 năm 2009

Vĩnh Biệt

Chiều thu, làn nắng giăng vàng trên các hàng cây rũ nhánh, sợi nắng không mỏng không dầy, chỉ đủ để biết có sự hiện diện của nắng, như một vòng tay choàng nhẹ trên vai. Chiều thu có gió, gió chỉ đủ để lẩy chiếc lá vàng lìa cây, đậu nhẹ trên thảm cỏ, thảm cỏ của nghĩa trang Oak Hill.
Nỗi buồn ly biệt nằng nặng trong ngực, ai cũng biết có sinh có tử, có đến hẳn phải có về nhưng khi đối diện với phút cuối của cuộc tiễn đưa, người ta phải dùng chữ đoạn tràng để diễn tả nỗi buồn ấy, dù đã chấp nhận đã hân hoan nhìn phút cuối thanh thản nhẹ nhàng, không vướng víu của người thân yêu đã hưởng gần trọn vẹn một cõi trăm năm.
Kể về một con người, nhắc đến một tâm hồn rất dễ để nhắc để kể, nếu chỉ kể chỉ nhắc đến sự thành công vinh hoa sung sướng hay sự thất bại khốn khó đã xảy ra trong đời, vì mọi sự ấy ai cũng một lần phải trải qua. Khó vô cùng khi muốn nhắc đến muốn kể về thái độ sống sau những thăng trầm ấy ra sao.
Đọc bài viết của ông Chu Dung Cơ, thủ tướng Trung Quốc năm 1998 đến 2003 về cách sống thế nào vào lúc tuổi già sức yếu, sống thế nào để “vui một ngày lãi thêm một ngày” không phải so đo “qua một ngày là mất một ngày.”
Từ một đứa trẻ không biết mặt cha năm 1928 , mất mẹ vào năm mười tuổi, được nuôi dưỡng bởi người bác ruột, đến khi về hưu năm 2003 với chức vụ sau cùng là thủ tướng, sau một chuỗi dài quyền cao chức trọng, kiến thức từ chương hợp cùng kiến thức đời sống thì nhân sinh quan sống trên đời của ông hẳn là tin tưởng được.
– Tháng ngày qua nhanh như ngựa chạy tên bay, đời người ngắn ngủi, tôi không dám tự hào hiểu hết mọi cách sống nhưng nếu ráng suy ngẫm về cách sống, ráng hiểu về cuộc đời thì mới có thể thanh thản và thoải mái khi bước vào tuổi đông tàn. Còn trẻ nghĩ rằng qua một ngày mất một ngày, đến tuổi về hưu vui một ngày lãi được một ngày, nên tìm hạnh phúc do chính mình tạo ra, niềm vui ẩn chứa trong các công việc nhỏ nhoi vụn vặt. Tiền của không phải là tất cả nhưng cũng không thể thiếu nó trong đời, không xem trọng tiền của mà mãi lo tính toán, khi sinh ra con người không mang theo tiền của nên lúc mất đi cũng chẳng được mang theo. Cho nên biết dùng tiền để tạo cho mình sự an nhàn, tạo cho mình niềm vui, tạo cho mình thêm sức khỏe là điều nên làm. Biết kiếm tiền, biết tiêu tiền biết điều khiển đồng tiền là người khôn ngoan, tránh làm tôi tớ cho nó.
– Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi lại càng nên làm cho nó phong phú hơn, thay đổi những cũ kỹ đã có, chia tay với khổ hạnh, làm bạn với phong lưu, cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc nâng cao phẩm chất cuộc sống, tìm đến cái đẹp nguồn vui hưởng thụ mọi tiện nghi vật chất mà ngày còn trẻ chưa được hưởng. Gia tài nếu có cũng để lại cho con, địa vị trong xã hội chỉ tạm thời, uy quyền nếu có cũng thành quá khứ chỉ có sức khỏe mới là của mình.
– Cha mẹ yêu con vô bờ bến, con cái yêu cha mến mẹ có giới hạn. Nuôi dưỡng con cái nên người là nghĩa vụ, là bổn phận trách nhiệm là niềm vui, không nên mong chờ con cái báo đền ơn dưỡng dục mà tự chuốc lấy sầu khổ cho mình.
– Chăm sóc thân thể khi chưa bệnh hoạn, không đợi có bệnh rồi mới bắt đầu chăm sóc đến bản thân,
– Tuổi già thích nhắc về quá khứ vì thấy được tất cả chỉ là phù vân, đọng lại chỉ là tình cảm chân thành giữa bạn bè, người thân yêu chung quanh, gặp lại người thân xưa, được kính trọng vì nhân cách của mình, được đắm mình trong tình cảm yêu thương chân thành là niềm vui lớn nhất .
– Con người không thể hoàn hảo, không thể tìm được sự hài lòng tuyệt đối thì mặc kệ nó, tìm vui trong sự bất như ý, không thay đổi được hoàn cảnh thì nên chấp nhận hoàn cảnh, lâu ngày thành quen chẳng điều gì quấy quá được tâm hồn
– “SINH – LÃO – BỆNH – TỬ” là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi giờ cuối đến thanh thản mà đi. Đã sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm dấu chấm hết sẽ thật tròn.
Viết tiểu sử đấng sanh thành ra người phối ngẫu của mình, tôi không ngần ngại viết
Là người chồng: Ông luôn yêu thương và trung tín với vợ.
Là người cha, người ông: Ông thương các con, các cháu với cả tấm lòng tận tâm giáo dục và nêu gương sáng cố sao cho các con, các cháu sống đời ngay thẳng liêm chính
Sinh ngày 05 tháng 04 năm 1923, tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
Năm 1938, được bố mẹ gởi sang Lào ăn học, sau đó ông làm việc cho chính phủ Đông Dương tại Lào. Vì thời cuộc ông phải tản cư sang Thái Lan, nơi đây ông lập gia đình và có hai người con trai. Đến năm 1952 ông vượt tuyến trở về Việt Nam sinh sống tại Sai-Gon, làm việc cho bộ Tư Pháp Việt Nam Cộng Hòa, nơi đây ông có thêm sáu người con.
Năm 1985, ông cùng sang định cư tại San Jose do người con trai thứ ba bảo lãnh .
Mẹ tôi, qua bao nhiêu truyện kể, chưa bao giờ bà thắc mắc hay ghen hờn gì về một bóng hình người đàn bà khác xuất hiện dù chỉ thoáng qua, trong đời sống vợ chồng hơn sáu mươi năm chung sống. Dù ba lần tha hương ông vẫn một lòng tận tụy khuyên nhủ giáo dục con cái. Ngón tay có ngón dài ngón ngắn, con cái có đứa thành nhân có đứa lận đận gian truân, ông không kiêu căng vô lối vì thành quả vượt bậc của đứa này hay tự ti mặc cảm vì đứa chẳng có gì, ông chỉ biết ông đã làm hết bổn phận uốn nắn chăm sóc yêu thương, thay vì đưa cho con chiếc đồng hồ báo thức ngày đi thi tú tài, ông thức dậy cùng con. Thái độ này được các con trai của ông lập lại cho các cháu của ông.
Mẹ tôi vào ra nhà thương bao lần, các con mải chăm sóc bà cụ, quên đi ông cũng cần được chăm sóc, câu nói nhẹ nhàng: “Ba lo cho ba được, ba ráng giữ mình không để đau ốm làm phiền các con!” một lần tự ông đi bộ lấy thuốc, đoạn đường xa gần một dặm, trưa nắng cháy. Các con có thể tự dối lòng để cụ hoạt động cho khỏe nhưng trong ánh mắt của ông tôi biết ông muốn sự trợ giúp ân cần.
Càng ngày ông càng thu mình nhỏ lại vui thỏa với điều ông có, không gian nhỏ nhoi sạch sẽ, quần áo rộng rãi ông mặc, ngay cả cách ăn uống dù là đĩa giấy, ly nhựa với ông vẫn là những bát kiểu ly pha lê có thời ông đã từng dùng. Món ăn quê mùa thời nghèo khó, những con tép nhỏ như đầu đũa vẫn là nỗi nhớ nhung của ông, hình bóng mẹ già nghèo khổ làm con không dễ xóa hẳn ra khỏi ký ức của mình.
Sự thanh thản bình an, nụ cười nở trên môi bất kỳ khi nào con cái hỏi đến trong những ngày cận kề cái chết là nguồn an ủi vô biên cho con cho cháu, tiền bạc của ông có bao nhiêu, gia sản của ông có bao nhiêu chẳng ai màng biết đến, con cái cháu chắt chung quanh chỉ biết ông giàu có tình thương vô cùng vô tận, ông tha thứ tất cả những câu nói – hành động bất xứng con cái đã vô tình cư xử, tha thứ ngay cả đứa con ông mong chờ nhất đã chẳng quay về.
Tôi chắc chắn ông đã không đọc những bài viết của ông Chu Dung Cơ, ông chẳng viết gì về những điều ông suy ngẫm trong quãng đời 86 năm tại thế, một năm tượng hình trong bụng mẹ, những nhục vinh trôi nổi Lào – Thái – Việt Nam – Mỹ , cách sống của ông đã nói nhiều hơn thế, tôi thấy ông thực hành đúng như bài tôi đọc để rồi cuối cùng ông nhẹ nhàng rướn toàn thân trở về nơi đã đến, dấu chấm thật tròn buổi chiều thu lá bay vừa đủ như những giọt lệ con cháu tiếc thương, nắng cũng vừa đủ sưởi ấm nỗi buồn vĩnh biệt ngàn thu, để khi mọi việc hoàn tất cơn mưa như trút một lần rửa cho sạch bao bụi trần còn vướng víu níu vời.
Hoa tươi chất đầy trên ngôi mộ mới đắp, lấp lánh nụ cười móm mém thương yêu, biết rằng cuộc đời có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, nhưng khi đối diện với nó vẫn rất khó khăn.
Câu nói cuối cùng, nụ cười mãn nguyện: “Đúng rồi, sao chị biết ý của ba!” là câu nói an ủi tôi nỗi buồn vĩnh biệt này.

Ba ơi! mọi việc xảy ra nhanh quá trong vòng hai tuần từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc. Ba ơi! Vĩnh Biệt Ba.

One Reply to “”

Bình luận về bài viết này